Chắc hẳn ai trong chúng ta cũng từng một lần nghe đến tục lệ đa phu, đa thê. Tuy nhiên, cũng không nhiều người hiểu đa thê là gì và các trường hợp được lấy nhiều vợ mà không bị xử phạt như thế nào?
Nếu bạn cũng đang có cùng thắc mắc như trên, có thêm tham khảo bài viết sau đây của Hôn Nhân và Gia Đình.
TÓM TẮT NỘI DUNG
1. Chế độ đa thê là gì?
Chế độ đa thê là việc đàn ông có quyền lấy nhiều vợ, tức có quan hệ hôn nhân với nhiều người phụ nữ. Chế độ này được coi là hợp pháp dưới chế độ phong kiến ở các nước phương Đông, hiện nay chỉ còn duy trì ở một số nước theo đạo Hồi và ở một số dân tộc miền núi của nhiều nước.
Ở Việt Nam, chế độ đa thê đã bị hủy bỏ từ Cách mạng tháng Tám. Lúc này, Luật hôn nhân và gia đình Việt Nam chỉ công nhận chế độ một vợ một chồng.
Tất cả các tôn giáo hay tín ngưỡng, kể cả đạo Hồi (Islam) vốn cho phép lấy nhiều vợ, nếu là công dân có quốc tịch Việt Nam đều phải tuân thủ hôn nhân 1 vợ 1 chồng.
2. Trường hợp nào được phép lấy nhiều vợ mà không vi phạm Luật hôn nhân và gia đình?
Hiện nay, nguyên tắc một vợ một chồng là một trong những nguyên tắc cơ bản của Luật hôn nhân và gia đình. Điều 36 Hiến pháp 2013 quy định: “Nam, nữ có quyền kết hôn, ly hôn. Hôn nhân theo nguyên tắc tiến bộ, tự nguyện, một chồng một vợ, vợ chồng bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau”.
Nguyên tắc này đảm bảo cho sự bền vững của hôn nhân, sự hạnh phúc của gia đình và phù hợp với sự tiến bộ của xã hội.
Theo đó, nguyên tắc hôn nhân một vợ một chồng được cụ thể hóa trong quy định về các trường hợp cấm trong chế độ hôn nhân và gia đình. Cụ thể, Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định cấm “Người đang có chồng, có vợ mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có chồng, chưa có vợ mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có vợ, có chồng”.
Tuy nhiên, nguyên tắc hôn nhân một chồng một vợ có ngoại lệ hay không? Nói cách khác, trường hợp nào pháp luật chấp thuận hôn nhân có nhiều vợ, nhiều chồng?
a. Kết hôn trước Luật hôn nhân gia đình năm 1959 có hiệu lực
Thứ nhất, trường hợp kết hôn với nhiều người trước khi Luật hôn nhân gia đình năm 1959 có hiệu lực (trước ngày 13/01/1960).
Theo Luật này, những trường hợp kết hôn từ ngày 13/01/1960 mà vi phạm nguyên tắc một chồng một vợ thì được coi là không hợp pháp. Như vậy, những quan hệ hôn nhân được xác lập trước khi Luật này có hiệu lực, dù có nhiều vợ, nhiều chồng thì vẫn không vi phạm nguyên tắc một vợ một chồng và được coi là hợp pháp.
Tuy nhiên, do hoàn cảnh chiến tranh nên Luật này chỉ có hiệu lực đối với miền Bắc. Ngoài ra, do tồn tại lịch sử, các quan hệ hôn nhân nhiều vợ, nhiều chồng trước ngày 13/01/1959 vẫn được coi là hợp pháp.
Đối với miền Nam, theo Nghị quyết 76/CP năm 1977 thì Luật hôn nhân gia đình năm 1959 được áp dụng từ ngày 25/3/1977. Tương tự miền Bắc, những quan hệ hôn nhân nhiều vợ, nhiều chồng được xác lập trước ngày 25/3/1977 vẫn được công nhận hợp pháp.
b. Có vợ chồng miền Nam tập kết ra ngoài bắc lấy người khác
Thứ hai, trường hợp bộ đội, cán bộ có vợ, có chồng ở miền Nam tập kết ra miền Bắc, lấy vợ/chồng khác
Theo Thông tư số 60/TATC ngày 22/2/1978 của Tòa án nhân dân tối cao thì nếu người vợ hoặc người chồng ở miền Nam vẫn không có quan hệ hôn nhân mới và muốn duy trì quan hệ hôn nhân trước đây thì công nhận cả hôn nhân mới và hôn nhân trước đây.
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, Thông tư này chỉ áp dụng với các đối tượng là cán bộ, bộ đội đã có vợ hoặc có chồng trong Nam, tập kết ra Bắc lấy vợ hoặc lấy chồng khác. Đồng thời, chỉ đóng khung trong thời gian từ sau ngày ký hiệp định Giơ-ne-vơ đến ngày Quốc Hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam tuyên bố thống nhất đất nước và trước sự ra đời của Luật Hôn nhân và gia đình về nguyên tắc một vợ một chồng (tức ngày 25/3/1977).
Như vậy, hôn nhân nhiều vợ sẽ không bị vi phạm pháp luật trong các trường hợp trên.
Hy vọng với bài viết trên đã giúp bạn biết được đa thê là gì và khi nào lấy nhiều vợ không bị vi phạm pháp luật. Nếu bạn đang quan tâm những chủ đề tương tự, hãy tiếp tục theo dõi Hôn Nhân và Gia Đình để có thêm nhiều tư vấn hôn nhân hữu ích.