TÓM TẮT NỘI DUNG
- 1 Hướng dẫn cách viết thiệp đám cưới cơ bản
- 2 Cách viết thiệp mời đám cưới phù hợp với từng đối tượng
Hướng dẫn cách viết thiệp đám cưới cơ bản
Những thông tin cần phải có trong thiệp
Một thiệp cưới thường bao gồm những thông tin thiết yếu về lễ cưới, trong đó nổi bật là thông tin về hai bên gia đình, cô dâu chú rể, chi tiết về buổi lễ và một số yêu cầu dành cho khách mời.
Về tên buổi lễ
Khi soạn thiệp cưới, hai yếu tố quan trọng bạn cần quan tâm là thông tin về buổi lễ và tiệc cưới. Đảm bảo rằng tất cả chi tiết liên quan đến lễ cưới đều được ghi chính xác để tránh bất kỳ sự nhầm lẫn nào trong quá trình in ấn. Bạn sẽ nhận thấy rằng nhiều thiệp cưới hiện đại thường ghi cụ thể như “Lễ Vu Quy”, “Lễ Tân hôn”, hoặc “Lễ Thành hôn”, và mỗi thuật ngữ đều mang một ý nghĩa riêng.
Lễ vu quy
Buổi lễ tại nhà gái, thông báo chính thức cô dâu sẽ theo chồng và gia nhập gia đình chồng. Tại miền Nam, trước ngày rước dâu, lễ này diễn ra với sự tham gia của cô dâu, chú rể và gia đình cùng thắp hương và tôn vinh tổ tiên.
Lễ tân hôn
Lễ này tổ chức tại nhà trai, sau khi đã rước dâu từ nhà gái. Đại diện gia đình cô dâu cũng tham gia, được gọi là “lễ đưa dâu”. Tại miền Nam, buổi lễ này diễn ra ở nhà chú rể và được ký hiệu trên các biển và phông cưới.
Lễ thành hôn
Dành cho những cặp đôi ở thành phố hoặc những người muốn tổ chức tiệc riêng cho đồng nghiệp. Cả hai gia đình cùng tổ chức một buổi tiệc cho khách mời từ cả hai bên.
Thông tin thời gian hôn lễ
Ngày làm lễ rước dâu cần được ghi rõ theo lịch dương và âm. Đối với cặp đôi theo đạo, nên nêu rõ giờ và tên nhà thờ tổ chức lễ.
Thông tin thời gian và địa điểm tiệc
Khách mời quan tâm nhất đến phần này. Hãy ghi rõ tên và địa chỉ sảnh cưới hoặc nhà hàng. Nếu tiệc tổ chức tại nhà, địa chỉ cũng cần được nêu rõ. Bản đồ minh họa với các địa điểm nổi bật gần nơi tổ chức sẽ giúp khách dễ dàng hình dung và tìm đường đến.
Viết thông tin hai bên gia đình
Mỗi gia đình sẽ có một hoàn cảnh khác nhau. Do vậy, ở phần ghi thông tin của hai bên cha mẹ cần có sự thống nhất và đồng thuận từ đầu. Trong trường hợp gia đình theo đạo Công giáo, nên thêm tên Thánh và đặt tên Thánh trước tên của cha mẹ, cô dâu và chú rể. Đối với những gia đình Phật giáo, việc sử dụng Pháp danh của ba mẹ trong thiệp cưới cũng là một lựa chọn của một số gia đình.
Nếu cha hoặc mẹ đã mất hoặc vì một số lý do không thể tham dự lễ cưới, cô dâu và chú rể nên thảo luận và quyết định liệu có nên ghi tên của họ trên thiệp cưới hay không. Ví dụ, nếu cha đã qua đời chỉ có mẹ, thiệp cưới có thể ghi là: Bà quả phụ: [nhũ danh của bà]. Trong tình huống cả cha và mẹ đều đã mất, thiệp cưới có thể ghi: Cố phụ: [tên cha], Cố mẫu: [tên mẹ]. Hoặc thêm chú thích “Đã mất” hoặc “Song thân quá vãng” sau tên của họ.
Cuối cùng, nếu không muốn ghi tên cha mẹ vì một số lý do riêng, thiệp cưới có thể ghi tên của một người thân trong gia đình như anh trai hoặc chú, bác đại diện.
Thông tin cô dâu chú rể
Trong trường hợp cô dâu hoặc chú rể là con duy nhất, bạn có thể ghi là “Ái nữ” hoặc “Quý Nam”. Đối với con cả, dùng “Trưởng Nữ” hoặc “Trưởng Nam”. Với con giữa, sử dụng “Thứ Nữ” hoặc “Thứ Nam”. Còn đối với con út, “Út Nữ” hoặc “Út Nam” là lựa chọn phù hợp.
Trong trường hợp gia đình tuân theo một tôn giáo cụ thể, bạn nên thêm tên Thánh trước tên cô dâu và chú rể. Tuy nhiên, để giữ cho mọi thứ đơn giản và dễ hiểu, một số người chỉ chọn cách ghi rõ “Cô dâu [Họ tên]” và “Chú rể [Họ tên]” mà không đề cập đến thứ tự con cái trên thiệp cưới.
Cách viết thiệp cưới nhà gái
Lễ cưới được tổ chức ở nhà gái hay còn được gọi là Lễ Vu Quy. Đây là buổi tiệc để nhà gái chiêu đãi toàn bộ những khách mời thân thiết với cô dâu và gia đình họ nhà gái, cùng một số người đại diện cho họ nhà trai.
Đa phần Lễ Vu Quy sẽ được tổ chức trước ngày rước dâu, một số nơi sẽ tổ chức cùng ngày rước dâu.
Khi viết thiệp cho nhà gái, tên bố mẹ và tên cô dâu nằm phía bên trái, nhà trai bên phải. Nếu tên cô dâu và chú rể để bên dưới thì tên cô dâu sẽ nằm bên trên, còn tên chú rể bên dưới.
Khi ghi thiệp cưới nhà gái thì trên thiệp cưới thường ghi là Lễ Vu Quy và sẽ ghi rõ là “Trân trọng kính mời quan khách đến tham dự Lễ Vu Quy của con gái chúng tôi”.
Cách ghi thiệp cưới nhà trai
Lễ cưới được tổ chức tại nhà trai được gọi là Lễ Tân Hôn. Đây là buổi tiệc để nhà trai tiếp đãi người thân và bạn bè của chú rể cùng một số người đại diện của nhà gái.
Khi viết thiệp cưới cho nhà trai, tên bố mẹ và tên chú rể nằm phía bên trái, nhà gái bên phải. Nếu tên cô dâu chú rể sắp xếp trên dưới thì tên chú rể nằm trên, còn tên cô dâu ở dưới.
Cách viết thiệp cưới bên ngoài
Kính mời anh/chị/em- Tên khách mời+
Hoặc kính mời anh/chị/em và người thương/ người ấy.
Cách viết thiệp mời đám cưới phù hợp với từng đối tượng
Cách viết thiệp cưới mời họ hàng anh chị hoặc bạn bè của cha mẹ
Khi ghi thiệp mời những người họ hàng trong gia đình, bố mẹ nên là người mời để thể hiện sự kính trọng đối với người cao tuổi và lòng biết ơn của gia đình. Ví dụ, bên ngoài thiệp mời ghi Kính mời: Bác X, bên trong ghi Kính mời: Hai bác và gia đình. Nếu khách mời có vợ/chồng đã mất thì chỉ ghi 01 người, tránh ghi “hai bác”, “cô chú”.
Cách ghi thiệp cưới mời đồng nghiệp, bạn bè
Đối với bạn bè thì bạn có thể ghi thiệp cưới của mình vui nhộn và độc đáo hơn. Tuy nhiên thông thường, cách ghi thiệp đám cưới mời bạn bè thì cô dâu và chú rể nên xưng hô là “Bạn” và “Chúng tôi”.
Với những người bạn thân thiết hoặc tri kỷ, cô dâu và chú rể có thể ghi tên thường gọi cho thân mật. Ví dụ: “Mời bạn Thanh Trúc đến dự lễ thành hôn của chúng tôi”. Hoặc sử dụng biệt danh sáng tạo như: “Người tình trăm năm” hay “Bằng hữu từ thuở nhỏ”.
Nếu khách mời là đồng nghiệp thì tùy xem người đó lớn tuổi hay ít tuổi hơn mà bạn lựa chọn cách xưng hô là anh/chị/em sao cho phù hợp.
Khách mời là người độc thân và không rõ người đó có dự định đến cùng người yêu hay không
Nên lựa chọn cách diễn đạt tế nhị khi viết thiệp cưới. Bạn có thể viết “Kính mời: Anh A” hoặc thêm “Kính mời: Anh A cùng bạn bè”. Một phong cách khác được ưa chuộng là “Kính mời: Anh A +…”, “Chị B +…”, hoặc sử dụng biểu tượng trái tim sau tên của khách mời.
Cách viết thiệp cưới mời sếp
Nếu bạn có dự định mời cấp trên đến tham dự lễ cưới của mình, cần phải tránh cách xưng hô dí dỏm như bạn bè hay đồng nghiệp. Thay vào đó, bạn nên sử dụng các từ ngữ trang trọng như là Kính mời: Anh/ Chị hay Gia đình Anh/ chị,….
Ngoài ra, với cấp trên, bạn nên đưa thiệp tận tay kèm theo một lời mời và nói rõ thời gian, địa điểm cụ thể.
Cách ghi thiệp cưới mời vợ chồng bạn bè
Cách viết thiệp mời đám cưới người có gia đình, đối với những người đã lập gia đình họ sẽ có sự trưởng thành hơn trong suy nghĩ. Chính vì vậy, bạn nên chọn cách ghi thiệp cưới mời vợ chồng bạn bè bằng những câu từ phù hợp nhất.
Thường thì vợ chồng phải luôn luôn đi bên nhau. Do đó, khi ghi thiệp cưới mời vợ chồng bạn đừng quên mời cả hai nhé. Bởi lẽ, nếu bạn chỉ ghi mời một người thì người còn lại sẽ cảm thấy như mình không được trân quý.
Với khách mời đã có gia đình, bạn cần ghi rõ mời vợ chồng đi kèm với tên. Ví dụ: Mời vợ chồng anh chị … đến tham dự lễ thành hôn của chúng em. Hay khi ghi bên ngoài bì thư: Kính mời: Anh A, bên trong trang trọng hơn thì ghi Kính mời: Vợ chồng anh A.