Xã hội phát triển khiến cuộc sống con người ngày càng trở nên hối hả, bộn bề với bao lo toan. Chính vì vậy, căn bệnh vô cảm đã dần nhen nhóm và khiến con người dần mất cảm xúc với thế giới xung quanh.
Để hiểu rõ hơn vô cảm là gì, bài viết dưới đây sẽ cung cấp thông tin đến bạn.
1. Vô cảm là gì?
Vô cảm là thái độ ý thức và trạng thái cảm xúc của một người hay một nhóm người. Đây là trạng thái thờ ơ, dửng dưng, trơ lì cảm xúc với những hiện tượng đời sống xung quanh, chỉ quan tâm đến quyền lợi của bản thân.
Dấu hiệu nhận thấy người vô cảm rõ nhất là ra đường thấy cái đẹp không mảy may rung động, gặp cái tốt không ủng hộ. Đặc biệt, những người này thấy cái xấu, cái ác không dám lên án, chống lại,…

2. Biểu hiện của người mắc bệnh vô cảm là gì?
2.1. Biểu hiện nhẹ
Người mắc bệnh vô cảm không biết nói lời “Xin lỗi” khi làm sai và không biết “Cảm ơn” khi được giúp đỡ. Thậm chí, họ còn tiếc cả tràng vỗ tay khi giới thiệu về một đại biểu, khi xem một tiết mục văn nghệ, thể thao,…
2.2. Biểu hiện nặng
Họ quên đi trách nhiệm cứu giúp người bị nạn (gặp tai nạn giao thông, cháy nhà, gặp người đau ốm,…). Họ đứng nhìn, thậm chí còn lợi dụng cơ hội để chiếm đoạt tài sản của người bị nạn.
2.3. Biểu hiện vô cảm với chính mình
Là những người vô cảm với những thành công, thất bại, với niềm vui hay nỗi buồn của bản thân. Họ dửng dưng với tất cả đến vả xảy ra với mình.
2.4. Biểu hiện vô cảm với cộng đồng
Đây là những người vô cảm với sự kiện lớn của dân tộc (bão lũ, hạn hán, thiên tai, quyền về biển đảo,…) nhưng lại nhạy cảm với quyền lợi của mình.
Đặc biệt, có trường hợp lại hãnh diện về sự vô cảm của mình. Đây là sự vô cảm cố ý để đẩy thành lối sống cực đoan.

Tóm lại, có sự vô cảm thụ động dẫn đến bất cần với mọi thứ xung quanh. Còn có sự vô cảm chủ động, tự biến mình thành kẻ vô tri vô giác, mọi lời khuyên nhủ, phê bình không có tác động gì, con người trở nên trơ lì, không tự ái, không xấu hổ,…
3. Nguyên nhân dẫn đến bệnh vô cảm
3.1. Nguyên nhân từ bản thân mỗi người
- Có thể những người vô cảm do bị ngoại cảnh tác động, hoặc bị cái xấu hãm hại nên họ mất niềm tin vào cuộc sống.
- Do lối sống ích kỷ thực dụng hoặc người ta thấy cuộc sống đơn điệu, vô nghĩa dẫn đến những cảm xúc đạo đức bị hạn chế, thậm chí bị triệt tiêu.
- Một số người sống thiếu bản lĩnh, sống khép mình, sợ va chạm, không muốn những mất mát, khổ đau của người khác đụng đến sự bình an trong lòng mình.
3.2. Nguyên nhân từ gia đình
- Một số gia đình chưa coi trọng việc giáo dục con cái về sự đồng cảm, yêu thương giúp đỡ nhau và biết bao dung, tha thứ cho người khác.
- Có nhiều bậc cha mẹ, phụ huynh thiếu gương mẫu về lối sống và giao tiếp.
- Cha mẹ quá cưng chiều con nên sẵn sàng đáp ứng những nhu cầu vô lối của con một cách vô điều kiện. Điều này tạo cho con lối sống chỉ biết nhận, không biết cho, sống nghèo nàn cảm xúc, làm ngơ trước nỗi đau của người khác.
3.3. Nguyên nhân từ nhà trường
- Giáo dục phiến diện không đầy đủ, thiên về dạy chữ, nhẹ về dạy người. Chỉ chủ yếu chạy đua theo thành tích về văn hoá, ít quan tâm hoặc chưa đầy đủ về giáo dục đạo đức.
- Môi trường giáo dục bị ảnh hưởng bởi xã hội, giữa lý thuyết và thực tế chênh nhau khá lớn.

3.4. Nguyên nhân từ xã hội
- Cuộc cách mạng về khoa học và công nghệ đã làm thay đổi cách thức làm việc, tư duy và giao tiếp. Điều này làm cho giới trẻ giam mình quá lâu trong thế giới ảo, không quan tâm những việc xung quanh và trở nên vô cảm.
- Nền kinh tế thị trường một mặt phát huy được một số giá trị đạo đức truyền thống và sản sinh ra những giá trị mới. Tuy nhiên, mặt khác, nó lại tạo điều kiện cho cái tôi phát triển cực đoan, đề cao giá trị vật chất, nảy sinh cách sống ích kỷ.
4. Cách khắc phục bệnh vô cảm
4.1. Luyện đọc cảm xúc của người khác
Biểu hiện cơ thể là dấu hiệu cảm xúc của con người. Giống như các kỹ năng khác, nếu bạn dành thời gian luyện đọc cảm xúc của mọi người, bạn sẽ tiến bộ hơn.
4.2. Học cách thể hiện sự quan tâm
Có thể bạn là người vô cảm vì thấy không thoải mái khi thể hiện cảm xúc. Vì vậy, thay vì nói điều gì đó dù gượng gạo hoặc không thật lòng khi thấy ai đó buồn, bạn lại chọn cách im lặng.
Tuy nhiên bạn phải biết mọi việc sẽ trở nên tự nhiên hơn khi bạn cố gắng và thử làm nhiều lần.
4.3. Hiểu được sự cần thiết của cảm xúc
Với bạn, nỗi buồn có thể là vô nghĩa, phi lý và yếu đuối. Có thể bạn phân vân vì sao mọi người không xem xét kỹ vấn đề và tìm cách giải quyết.
Nhưng cảm xúc là một phần không thể thiếu trong quá trình ra quyết định, cũng giống như lô-gic. Cảm xúc có thể là động lực để bạn thay đổi cuộc sống. Vì vậy, dù vui hay buồn, dù mạnh mẽ hay yếu đuối bạn cũng phải thể hiện ra bên ngoài.

4.4. Chú ý hơn về cảm xúc của bản thân
Thể hiện cảm xúc khiến bạn không thoải mái, lúng túng. Hoặc có thể bạn được dạy phải che giấu hoặc kìm nén cảm xúc, hoặc bạn chỉ nghe theo lý trí.
Tuy nhiên, dù vì bất kỳ lý do nào, bạn là con người, bạn phải có cảm xúc. Những thứ cảm xúc đó có thể khiến bạn hòa nhập hơn với mọi người xung quanh.
Hy vọng với những chia sẻ trên đây, bạn đã thực sự hiểu vô cảm là gì và cách để loại bỏ căn bệnh này. Nên nhớ, cuộc đời khi cho đi những điều tốt đẹp sẽ nhận lại những điều tốt đẹp. Vì vậy, hãy sống một cuộc đời trách nhiệm và đầy nhân văn.