Khủng hoảng tiền hôn nhân không phải là một bệnh lý, đó là một hội chứng tâm lý đặc biệt, chỉ xuất hiện ở các cặp đôi sắp kết hôn.
Thực tế, không ít cô dâu, chú rể trước ngày cưới chỉ nghĩ đến việc bỏ trốn khỏi hôn lễ. Lý do không phải vì đây là một cuộc hôn nhân sắp đặt hay họ không yêu đối phương. Đơn giản là họ đang bị stress tiền hôn nhân.
Vậy, tại sao lại có tình trạng trên? Dấu hiệu nhận biết như thế nào? Hướng giải quyết ra sao? Hãy cùng Hôn Nhân và Gia Đình tìm câu trả lời dưới bài viết sau đây.
TÓM TẮT NỘI DUNG
I. 3 nguyên nhân dẫn đến khủng hoảng trước hôn nhân
1. Áp lực về tình yêu sau hôn nhân
Trong xã hội hiện đại, nhiều người cảm thấy mệt mỏi và căng thẳng sau khi kết hôn. Dẫn tới ảnh hưởng không nhỏ đến tinh thần và sức khỏe.
Chưa kể, mạng xã hội lan truyền rất nhiều thông tin về các vụ bạo lực gia đình, ly hôn, ngoại tình,… khiến cho các cô dâu dễ rơi vào trạng thái lo lắng trước khi kết hôn.
2. Áp lực về việc tổ chức đám cưới
Để tổ chức một đám cưới thành công mỹ mãn, các cặp đôi thường phải bỏ ra nhiều khá nhiều chi phí. Hơn thế, có cả núi việc cả hai bên phải làm. Ví dụ: mời cưới, đi chụp ảnh cưới, quà bên nội – ngoại, đi sắm đồ, lễ phục…
Áp lực tài chính và vô vàn công việc khiến nhiều người mệt mỏi, không muốn kết hôn.
Thậm chí, nhiều cô gái nhút nhát còn cảm thấy ngại ngùng khi phải làm cô dâu và đứng nổi bật trước rất nhiều khách mời.
3. Áp lực về việc sinh con sau khi cưới
Sinh con dường như là một vấn đề mà bắt buộc các cặp vợ chồng nào cũng phải đối mặt.
Hiện nay, ngày càng nhiều cặp đôi trẻ mới cưới rơi vào tình trạng vô sinh. Không những vậy, quan niệm trọng nam khinh nữ vẫn còn tồn tại ở khá nhiều gia đình.
Điều này khiến cho cô dâu mới không chỉ sợ không sinh được con. Mà còn sợ mình không sinh được con trai, khiến gia đình chồng chê trách.
II. 5 dấu hiệu nhận biết khủng hoảng tiền hôn nhân
1. Cảm thấy mệt mỏi
Bạn cảm thấy mệt mỏi vì ngày cưới sắp đến gần và có quá nhiều thứ phải lo nghĩ. Điều này dẫn đến tình trạng chán ăn, mất ngủ, sức khỏe suy giảm. Và đôi khi bạn còn phải nhờ đến sự hỗ trợ của thuốc an thần.
2. Mất tập trung
Do quá lo lắng cho đám cưới nên bạn không thể tập trung được điều gì khác. Bởi vậy, bạn bỗng trở nên đãng trí, vụng về, lóng ngóng, gây ra nhiều phiền toái. Tệ hơn, khiến nhiều gia đình phải nhắc nhở nhiều lần.
3. Rất dễ cáu kỉnh
Nếu bạn rất dễ nóng giận trước những vấn đề nhỏ nhặt khi chuẩn bị cho đám cưới, rất có thể là bạn đã rơi vào khủng hoảng tiền hôn nhân. Thỉnh thoảng, bạn còn tranh cãi với người vợ/chồng sắp cưới của mình vì những điều vụn vặt. Thậm chí còn đòi hủy cưới.
Không những thế, bạn cũng rất dễ giận dỗi khi không đồng thuận trong cách tổ chức đám cưới. Hay do một vài yếu tố khách quan bên ngoài.
4. Lo lắng chuyện kết hôn
Bạn luôn xoay trong mớ bòng bong về những điều xấu có thể xảy ra sau khi kết hôn. Chẳng hạn như bạn tưởng tượng tình cảm hai người sẽ trở nên nguội lạnh. Hoặc chồng/ vợ đi ngoại tình rồi hôn lễ diễn ra không suôn sẻ.
Vì quá lo lắng chuyện hôn nhân, bạn thậm chí còn có thể nằm mơ thấy cả ác mộng.
5. Xuất hiện ý nghĩ muốn chia tay
Khi không thể kiểm soát được những lo lắng hay cảm giác hoang mang, bạn có xu hướng trở thành “cô dâu/chú rể chạy trốn”. Việc làm này không phải chỉ xuất hiện trong phim mà nó đã từng diễn ra ở ngoài đời thực.
Khi cô dâu/chú rể quá áp lực trước khi kết hôn, đến ngày cử hành hôn lễ, họ như trái bom phát nổ và chỉ muốn trốn khỏi người bạn đời của mình.
III. 4 cách vượt qua khủng hoảng tiền hôn nhân
1. Lên kế hoạch lễ cưới chi tiết
Sau cái gật đầu, chắc hẳn 2 bạn đều đang nghĩ đến một đám cưới hoàn hảo. Tuy nhiên, nếu cả hai không lên kế hoạch chi tiết thì mọi thứ sẽ trở nên rối rắm, dẫn đến tranh cãi, bất đồng quan điểm. Và hệ quả tất yếu là cả 2 cùng rơi vào trạng thái trầm cảm trước hôn nhân.
Để làm được điều đó, hãy ngồi xuống và ghi lại tất cả những việc quan trọng cần làm để đảm bảo lễ cưới được thực hiện theo thứ tự trơn tru. Nếu có điều kiện, tốt nhất là bạn nên thuê một đơn vị tổ chức lễ cưới chuyên nghiệp để họ lên cho bạn một planner wedding phù hợp.
2. Đừng ôm đồm quá nhiều việc
Đám cưới là dành riêng cho 2 người, nhưng để có được một đám cưới trọn vẹn lại cần sự giúp sức của rất nhiều người.
Trước ngày cưới, hai bạn nên hoàn thành tốt những công việc của riêng mình như chụp ảnh cưới, lên danh sách khách mời, chọn hoa, chọn nhẫn,… Đừng cố gắng biến mình thành siêu nhân khi ôm đồm quá nhiều việc cùng một lúc, dẫn đến việc quá tải và stress.
Theo đó, hãy để mọi người tham gia công tác chuẩn bị và tổ chức lễ cưới, giúp 2 bạn giảm tải căng thẳng trong những ngày này. Tin tưởng vào người có kinh nghiệm hoặc đơn vị tổ chức lễ cưới chính là cách để hai bạn có một lễ cưới hoàn hảo mình.
3. Chia sẻ vấn đề với mọi người
Kết hôn là dấu mốc quan trọng trong cuộc đời của mỗi người. Ở giai đoạn tiền hôn nhân, đôi khi một trong hai trở nên căng thẳng và người còn lại vô tình không biết, dẫn đến tình trạng trầm cảm kéo dài.
Nếu đang rơi vào trạng thái này, đừng ngần ngại chia sẻ với mọi người hoặc người bạn đời để tìm ra hướng khắc phục tốt nhất. Đám cưới là ngày vui của 02 người, đừng để một cảm xúc nhỏ mà ảnh hưởng đến cả cuộc vui.
4. Thực hiện liệu pháp giúp thư giãn
Khủng hoảng tiền hôn nhân là tình trạng phổ biến của các cặp vợ chồng trẻ trước ngày cưới. Cảm giác căng thẳng thường xuất hiện ra trước ngày trọng đại với nhiều việc phải lo nghĩ. Lúc này, cả hai dễ xảy ra mâu thuẫn và đổ lỗi cho nhau.
Thay vì lo lắng, bạn nên làm những điều mình thích và áp dụng các liệu pháp thư giãn để giải tỏa stress. Bạn có thể nghỉ ngơi và hít thở sâu mỗi khi cảm thấy mất bình tĩnh. Theo đó, thói quen tập yoga thường xuyên cũng là một cách tốt để bạn cảm thấy khỏe mạnh và thư giãn.
Nếu bạn đang rơi vào khủng hoảng tiền hôn nhân, hy vọng bài viết trên đã giúp ích cho bạn để bạn có thêm kinh nghiệm thoát khỏi những áp lực này.