Hiện nay, trên các mạng xã hội xuất hiện khá nhiều thuật ngữ mới lạ, xuất phát từ giới trẻ. Trong đó, cụm từ “giả trân” được nhắc đến rất nhiều như một ý trêu đùa.
Vậy, nghĩa của giả trân là gì? Nó được sử dụng trong tình huống nào? Bài viết sau đây sẽ làm rõ cho bạn.
1. Giả trân là gì?
Cụm từ “giả trân” hay “không hề giả trân” không có trong từ điển tiếng Việt. Vì vậy, cụm từ này không có định nghĩa cụ thể. Chúng chỉ là những từ được giới trẻ sử dụng rộng rãi trên các mạng xã hội.
Theo đó, giả trân là sự kết hợp của 02 từ “giả” và “trân“, trong đó:
- Giả: Không thật, không đúng sự thật.
- Trân: Ngây ra, trơ ra không biết xấu hổ. Từ này dùng để chỉ trạng thái sự vật đang bị phơi bày khi không còn sự bao bọc, che đậy.
Như vậy, giả trân được hiểu là một người/hành động/sự việc không có thật. Tuy con người cố tình làm cho như thật nhưng lại quá lộ liễu, dễ bị người khác nhận ra. Khi bị phát hiện, họ có thể tỏ thái độ trơ ra và không biết xấu hổ.

Ngoài ra, từ giả trân còn dùng để mỉa mai một người, sự việc trông giả tạo. Hiện nay, cộng đồng mạng còn thích sử dụng cụm từ “không hề giả trân” để giễu cợt một cách khéo léo, tạo tình huống hài hước.
Vì vậy, khi ai đó nói bạn “không hề giả trân”, bạn cũng đừng quá vui mừng. Thực ra đây không phải là một câu khen ngợi mà bạn cần hiểu theo nghĩa ngược lại. Thay vì nói giả trân thì giới trẻ lại thích sử dụng cách nói ngược “không hề giả trân” với ý nghĩa tương tự.

2. Cụm từ giả trân nên sử dụng trong trường hợp nào?
Giả trân vốn dĩ là cụm từ có ý nghĩa tiêu cực, có phần mỉa mai, soi mói nên bạn cần cân nhắc kỹ khi sử dụng cụm từ này. Tốt nhất nên sử dụng chúng trong văn nói đời thường hoặc những bối cảnh không yêu cầu sự trang trọng.
Đặc biệt, bạn chỉ nên sử dụng cụm từ giả trân với những bạn bè đồng trang lứa. Không nên sử dụng với người lớn tuổi vì họ là nhóm người không thể bắt kịp những xu hướng mới của giới trẻ.
Nếu bạn nói với người lớn tuổi những từ này thì chắc chắn họ sẽ không hiểu. Họ sẽ nghĩ bạn không tôn trọng họ và có cái nhìn không hay về bạn. Do đó, hãy thật thận trọng khi sử dụng giả trân nhé!

3. Giả trân là tốt hay xấu?
Chúng ta thường bắt gặp các phần bình luận trên mạng xã hội như: “Cô A có biểu hiện không hề giả trân” hay “Anh diễn viên B thể hiện sự xúc động một cách giả trân”.
Từ giả trân được sử dụng khi ai đó có biểu hiện giả tạo một cách lộ liễu. Những biểu hiện này khiến người đối diện có thể phát hiện ra ngay.
Cũng giống như thảo mai, nếu giả trân để tạo nên tiếng cười thì không có gì là xấu. Tuy nhiên, một người xấu cố “diễn” để trở thành người tốt thì đó gọi là lừa bản thân và xã hội.

Người có biểu hiện giả trân thường là những người sống hai mặt và không thật lòng. Họ có thể sống giả tạo ở bất cứ đâu và với bất cứ ai.
Những người này thường sống không thật lòng và có nhiều mưu mô để đạt được mục đích của mình. Chính vì thế, chúng ta không nên làm bạn với những người có tính cách giả trân.
Tóm lại, trong cuộc sống, hãy sống thật với chính mình, không nên sống giả trân. Bởi lẽ, khi sống giả dối, bạn luôn luôn phải trong tinh thần cảnh giác và không được là chính mình.
Hy vọng thông qua bài viết sau đây, bạn đã nắm được giả trân là gì. Nếu bạn muốn sử dụng cụm từ này để vui đùa, hãy lưu ý đến tình huống và đối tượng mình hướng đến nhé!