Tiền hôn nhân được coi là giai đoạn hết sức quan trọng để không ai phải rơi vào tình trạng “lầm đường lỡ bước”. Vậy, bạn đã biết bản thân cần chuẩn bị gì trước khi kết hôn hay chưa? Nếu chưa, hãy để Hôn Nhân và Gia Đình giúp bạn thông qua 05 kinh nghiệm sau đây.
Nếu tỷ lệ ly hôn ở Mỹ là 50% thì ở Việt Nam con số rơi vào khoảng 31%, tức 03 cặp kết hôn lại có 01 cặp ly hôn. Có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến quyết định “đường ai nấy đi” của các cặp đôi, song vẫn chưa có nguyên nhân nào được coi là chuẩn mực thuyết phục.
TÓM TẮT NỘI DUNG
1. Chuẩn bị tài chính
Khá nhiều người “tay trắng” đi đến quyết định kết hôn với ý nghĩ “trời sinh voi, trời sinh cỏ”, lấy nhau xong sẽ ổn hết. Tuy nhiên, đây là quan điểm hết sức lệch lạc và phi thực tế, bởi lẽ, không có cuộc hôn nhân nào bền bỉ nếu không có nền móng kinh tế vững chắc.
Bạn cần nhìn thẳng vào sự thật rằng tình yêu là màu hồng, nhưng khi kết hôn nó có thể biến chất bởi bạn sẽ có rất nhiều khoản chi tiêu phải lo. Từ đây, tương lai và màu sắc của cuộc hôn nhân sẽ hoàn toàn dựa trên nguồn thu nhập của hai vợ/chồng.
Bất đồng quan điểm có thể dẫn đến hôn nhân đổ vỡ, còn trục trặc về vật chất sẽ khiến hôn nhân ngộp thở. Do đó, bạn và đối phương cần có một khoản tiết kiệm từ 2 – 3 năm trước khi tiến tới kết hôn để đảm bảo cuộc hôn nhân được trụ vững.
2. Chuẩn bị tâm lý trước khi kết hôn
Chuẩn bị tâm lý ở đây có thể là tâm lý phải rời xa gia đình, phận làm dâu/rể, phải chấp nhận chung sống suốt đời với một người và không còn được tự do như trước,… Nếu không muốn hối hận về quyết định của bản thân, tốt nhất không nên kết hôn nếu chưa sẵn sàng.
Khi lựa chọn một người để làm vợ/chồng, bạn cần tin tưởng và chấp nhận toàn bộ những gì thuộc về người đó. Trước khi kết hôn, bạn cần hiểu rằng không ai là hoàn hảo và người bạn đời có thể sẽ bộc lộ những khuyết điểm trong hôn nhân mà bạn không biết.
Từ đây, bạn cần chuẩn bị một tâm lý vững vàng, không nên hốt hoảng hay trách móc về những thay đổi trên, bởi nó chỉ khiến cuộc hôn nhân của bạn thêm chán nản và căng thẳng hơn.
Có một điều khá đặc biệt, để cuộc nhân được êm ấm, hạnh phúc, bạn nên đứng trên quan điểm của người cha/mẹ để hiểu đối phương hơn. Bởi lẽ, không có cha mẹ nào là ghét bỏ hay bới móc những khuyết điểm của con cái, đó là cách để tạo nên được một mái ấm hòa thuận.
Theo đó, thay vì chỉ trích và than vãn về những sai sót của đối phương, bạn cần học cách bao dung và cố gắng động viên người bạn đời của mình. Chỉ như thế, tinh thần của bạn và đối phương sẽ luôn được thoải mái, thanh thản, hạn chế tranh cãi, cáu gắt khiến cuộc hôn nhân thêm tồi tệ.
3. Chuẩn bị các mối quan hệ
Các mối quan hệ bạn cần hiểu ở đây chính là gia đình, họ hàng, bạn bè, đồng nghiệp,… của vợ/chồng tương lai. Bạn cho rằng mình là người sống trọn đời cùng đối phương, tại sao lại phải quan tâm và lấy lòng những người xung quanh?
Nhưng thực tế cho thấy, không có cuộc hôn nhân nào diễn ra êm đẹp nếu không có sự hậu thuẫn của gia đình, bạn bè, người thân,… có chăng thì đó chỉ là sự cố chấp.
Thực chất, hôn nhân được xây đắp từ tình yêu, nhưng để hôn nhân được thuận lợi lại cần sự tương trợ của các mối quan hệ xung quanh.
Giả sử, gia đình bạn gặp khó khăn về tài chính và cần phải vay mượn, nhưng lại bị tất cả mọi người quay lưng, không giúp đỡ. Điều này có thể khiến cuộc sống luôn rơi vào trạng thái bế tắc, cả hai vợ chồng luôn mệt mỏi và căng thẳng, dễ dẫn đến cáu gắt, bực bội.
Xem thêm: Vợ chồng son nghĩa là gì? 5 vấn đề vợ chồng son nào cũng phải đối mặt
4. Chuẩn bị các kế hoạch tương lai
Bạn sẽ mua đất xây nhà hay mua chung cư? Bạn sẽ sinh mấy con? Gia đình bạn cần kiếm bao nhiêu tiền một tháng để trang trải cuộc sống sau này?,… Đây toàn bộ là những câu hỏi bạn và người ấy cần đặt ra để lên kế hoạch cho tương lai một cách chi tiết.
Khá nhiều người trước khi chuẩn bị kết hôn không có kế hoạch cho tương lai và hay nghĩ “đến đâu hay đến đấy”. Nhưng, bạn cần hiểu, cuộc hôn nhân có thể đi đến hạnh phúc hoặc tan vỡ nếu cả hai không có mục tiêu đề ra và phấn đấu để đạt được nó.
Cuộc sống của gia đình bạn sẽ chỉ xoay quanh vòng xoáy tẻ nhạt, buồn chán, “nay đây mai đó”, khiến cả hai chán trường và không có chuyện gì để nói.
5. Chuẩn bị sức khỏe tốt
Một trong những điều chuẩn bị trước khi kết hôn không thể không làm là sức khỏe. Khám sức khỏe tiền hôn nhân là việc hết sức quan trọng dù bạn có ý định sinh em bé ngay sau cưới hay không. Nếu vợ/chồng gặp vấn đề về sức khỏe và có nguy cơ hiếm muộn, biết được bệnh lý sớm sẽ giúp bạn chữa trị sớm để giúp cả hai thỏa mong ước được làm cha mẹ.
Bên cạnh việc khám tổng quát, người phụ nữ nên tiêm phòng viêm gan B, Rubella, cúm, tẩy giun,… ít nhất 03 tháng trước khi quyết định mang thai. Còn cánh mày râu cần kiêng rượu, bỏ thuốc, tập thể thao để có trạng thái sức khỏe tốt nhất.
Rủ nhau chạy bộ mỗi tối, tập gym, hoặc đi spa, massage,… cũng là ý tưởng không tồi để cả hai có lối sống khỏe mạnh và giải tỏa stress trong công việc.
Kết hôn là việc là trọng đại, mang đến khá nhiều bỡ ngỡ khiến không ít người dễ rơi vào trạng thái trầm cảm sau hôn nhân. Vậy nên, mong rằng với 05 kinh nghiệm nêu trên đã phần nào giúp bạn có thêm những kiến thức hữu ích để trả lời được câu hỏi: “Cần chuẩn bị gì trước khi kết hôn”.
Chúc bạn và gia đình sẽ có thật nhiều sức khỏe và cuộc sống hôn nhân luôn hạnh phúc, viên mãn.
Phương Nguyễn